Tin tức
Tác động của tỷ giá lên doanh nghiệp xuất khẩu – nhìn từ ngành dệt may
Ngày Đăng : 03/12/2018 - 10:57 AM
Trước tiên, có 11 trên 14 doanh nghiệp dệt may niêm yết báo cáo có tăng trưởng doanh thu, với nhiều doanh nghiệp có mức tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ năm trước như TNG (49%), ADS (38%), và STK (30%). Chỉ có 3 doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng doanh thu âm (nhưng ở mức 1 con số) là TVT (-6%), M10 (-8%), và X20 (-1%).
Sự cải thiện mạnh doanh thu trên là một điểm rất tích cực, bất chấp chi phí nguyên vật liệu có thể đã tăng lên mạnh, dù là tính bằng USD hay VND. Biểu dưới đây cho thấy giá bông đã tăng mạnh trong nửa đầu năm 2018 so với năm 2017, trung bình vào khoảng 0,85 USD/pound nửa đầu năm 2018 so với khoảng 0,72 USD/pound năm 2017 (+18%).
Ngoài chuyện đơn hàng có thể đã gia tăng mạnh trong kỳ kèm với sự cung cấp ổn định nguyên liệu từ khách hàng và sự điều chỉnh tăng giá bán, sự tăng lên 1% về tỷ giá VND/USD trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước (từ mức 22.731,5 đồng ngày 30/6/2017 lên 22.961,5 ngày 30/6/2018, theo xe.com) chắc chắn đã góp một phần vào sự cải thiện doanh thu của các doanh nghiệp dệt may có nguồn thu từ xuất khẩu, bằng ngoại tệ khi quy đổi ra VND để lập báo cáo kế toán.
Ngược lại, nếu xét đến các doanh nghiệp có doanh thu tụt giảm so với kỳ trước, ví dụ như M10 (-8%), tỷ giá tăng chắc chắn không phải là nguyên nhân, nếu có, khi so với mức tụt giảm mạnh hơn về doanh thu của doanh nghiệp này. Ngoài ra, nếu so sánh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này trong quý 4/2017 với quý 4/2016 thì thấy doanh thu vẫn giảm (-6%), mặc dù tỷ giá lại giảm đi 0,3% (từ 22.769 ngày 31/12/2016 xuống 22.706 ngày 31/12/2017). Điều này có nghĩa là việc tụt giảm doanh thu là do các nguyên nhân khác chứ không phải là do tỷ giá tăng lên (tức VND yếu đi).
Tiếp đến, về lợi nhuận trước thuế, chỉ có 2 trên 14 doanh nghiệp báo cáo tăng trưởng lợi nhuận giảm trong kỳ là M10 và X20, giảm lần lượt là 1 tỷ (-5%) và 7 tỷ đồng (-38%). Các doanh nghiệp còn lại đều báo cáo mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế, trong đó có đến 9 doanh nghiệp báo cáo tăng trưởng lợi nhuận lên trên 2 con số, thậm chí là 3 con số như HTG (+330%).
Lại lấy trường hợp M10 để phân tích sâu thêm về ảnh hưởng của biến động tỷ giá lên lợi nhuận trước thuế. Trong nửa đầu năm 2018, M10 ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá 6,8 tỷ đồng (làm tròn), lỗ chênh lệch tỷ giá là 6,9 tỷ đồng. Như vậy, sự sụt giảm lợi nhuận trước thuế của M10 (1 tỷ đồng, từ 31 tỷ xuống 30 tỷ) chắc chắn không phải là do sự tăng lên về tỷ giá, mà có thể là do tụt giảm doanh thu trong khi chi phí không giảm theo tương ứng.
Tuy phải thừa nhận rằng kể cả 12 doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế tăng trong 6 tháng đầu năm nay, vẫn có nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức lỗ chênh lệch tỷ giá lớn so với lãi chênh lệch tỷ giá. Ví dụ như VGT, lỗ chênh lệch tỷ giá là 51 tỷ so với lãi chênh lệch tỷ giá là 22 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là lợi nhuận trước thuế của VGT đã bị giảm mất 29 tỷ đồng trong kỳ do chênh lệch tỷ giá, một con số đáng kể so với tổng lợi nhuận trước thuế của nó là 524 tỷ đồng (tương đương làm giảm khoảng 5% lợi nhuận trước thuế).
Tuy nhiên, cần phải nhìn rộng ra ngoài chuyện biến động tỷ giá. Thứ nhất, hãy đặt câu hỏi tại sao các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ (USD) lại vẫn có lỗ chênh lệch tỷ giá (lớn)? Lý do cho điều này chắc chắn là do doanh nghiệp đã đi vay một phần tín dụng bằng ngoại tệ (từ ngân hàng hoặc từ khách hàng). Giả sử nếu không có các khoản vay ngoại tệ này thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ không bị lỗ tỷ giá, và, do đó, lợi nhuận trước thuế sẽ còn lớn hơn đáng kể.
Câu hỏi thứ hai liên quan đến câu hỏi trên là tại sao doanh nghiệp dệt may có nguồn thu bằng ngoại tệ lại phải/muốn đi vay bằng ngoại tệ, dù họ biết rõ ảnh hưởng của biến động tỷ giá? Câu trả lời đơn giản là vì họ muốn vay với lãi suất thấp. Quả thật, nếu so với lãi suất đi vay bằng tiền đồng thì vay bằng USD sẽ có lợi đến vài điểm phần trăm/năm, làm cho chi phí tài chính của doanh nghiệp trong kỳ giảm đáng kể.
Do đó, nếu so với mức tăng tỷ giá VND/USD nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước hoặc cuối năm trước (1% hoặc hơn một chút), rõ ràng là với doanh nghiệp đi vay thì vay bằng USD có lợi hơn nhiều nếu tính về chi phí lãi vay. Vì thế, tuy biến động tỷ giá VND/USD như vừa qua và hiện nay đã làm doanh nghiệp dệt may phải "trả giá", dưới dạng chịu lỗ chênh lệch tỷ giá lớn hơn, nhưng cái giá phải trả của họ vẫn còn là quá nhỏ so với cái lợi thu được từ sự tiết kiệm được đáng kể chi phí tài chính (vốn vay và lãi). Điều này càng đúng nếu doanh nghiệp có các động thái bảo hiểm tỷ giá, phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Tóm lại, qua phân tích một cách bao quát hơn như trên, điều rút ra được là biến động tỷ giá (mạnh) không gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp xuất khẩu.
Các tin khác
- Nhập khẩu xơ, sợi dệt Việt Nam tăng mạnh
- Dệt may Việt Nam đón đầu cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do
- Hàng loạt cổ phiếu dệt may lập đỉnh mới bất chấp thị trường chứng khoán ảm đạm
- Dệt may Việt Nam: Làm gì để thoát tai tiếng thương hiệu giá rẻ?
- MYANMAR NHẮM TỚI MỤC TIÊU XUẤT 12 TỶ USD KHẨU HÀNG MAY MẶC VÀO NĂM 2020
- ĐỘ XOẮN VẢI & SẢN PHẨM SAU GIẶT
- VẢI DỆT KIM , DỆT THOI VÀ VẢI KHÔNG DỆT